Trực ngôn can gián Hòa Hiệp (Tam Quốc)

Tào Tháo chiếm Kinh Châu (208), vời Hiệp làm Thừa tướng duyện thuộc. Khi ấy Mao Giới, Thôi Diễm đều là người thanh liêm, nên tuyển dụng quan lại thì đòi hỏi đức tiết kiệm trước tiên. Hiệp phản bác rằng chọn lựa theo cách ấy sẽ gây bỏ sót hiền tài, bởi tính hình thức của nó, như việc cho rằng ăn mặc rách rưới là thanh liêm, trong khi sĩ đại phu không khỏi chú trọng vẻ ngoài của mình.

Tào Tháo được phong Ngụy vương (213), lấy Hiệp làm Thị trung. Sau khi Thôi Diễm bị ban chết, có người tố cáo Mao Giới phỉ báng Tào Tháo, khiến Tháo rất giận. Hiệp ca ngợi nhân cách của Giới, đề nghị làm án để tra xét rõ ràng, cực lực tranh cãi với Tào Tháo, nhưng Tháo kiên quyết bác bỏ, nhằm tránh tổn hại đến người cáo giác. Cuối cùng Mao Giới bị bãi miễn chức vụ, thất sủng cho đến chết.

Tào Tháo chiếm được Hán Trung (215), Hiệp đề nghị rút quân dời dân, nhằm giảm chi phí phòng ngự; Tháo chưa nghe, nhưng về sau cũng làm vậy. Sau đó Hiệp ra khỏi triều đình làm Lang trung lệnh.

Tào Ngụy Văn đế lên ngôi, Hiệp được làm Quang lộc huân, phong An Thành đình hầu. Minh đế nối ngôi, Hiệp được tiến phong Tây Lăng hương hầu, thực ấp 200 hộ. Giữa những năm Thái Hòa (227 – 232), Tán kỵ thường thị Cao Đường Long tâu rằng thiên tượng có điềm bất thường, là do quan lại không chuyên cần chức sự. Minh đế hạ chiếu nhận lỗi, hỏi ý kiến quần thần. Hiệp cho rằng "dân là gốc của nước, lúa là mạng của dân", hiện nay dân chúng chịu nhiều lao dịch, không thể chuyên tâm canh tác, dẫn đến thiếu thốn lương thực, chính là nguyên nhân gây ra thiên tượng bất thường; lại nói việc giảm lao dịch còn giúp tăng cường binh lực, bảo vệ đất nước.